Một trong số những điều mà mình cảm thấy rất cần thiết để quan tâm đó chính là việc quản lý tài chính của bản thân. Nhưng mà bản thân mình từng không thể quản lý được và số tiền mình có đôi khi vèo một cái là hết sạch mà không nhớ đã chi vào đâu. Dần dà mình thay đổi và tìm kiếm cho mình cách để quản lý được tiền bạc và nó giúp ích cho mình rất nhiều. Và bài viết này mình muốn chia sẻ với các bạn về cách quản lý chi tiêu mà mình đã áp dụng được nhé.

Tư duy quản lý tiền bạc người trẻ nên có

Quản lý chi tiêu một cách hiệu quả (Nguồn: Internet)

1/ Quản lý từng chi tiêu nhỏ nhất

Điều đầu tiên mà mình muốn chia sẻ để quản lý chi tiêu mà mình đã áp dụng từ lúc còn đi học, khi còn đi làm part-time để kiếm được tiền đó chính là quản lý từng chi tiêu nhỏ nhất. Đôi khi chúng ta cứ nghĩ rằng tiền gửi xe, tiền mua bó rau, và những thứ nho nhỏ khác mà chúng ta không tính vào. Nhưng mà số tiền nhỏ đó mà tính theo thời gian dài như 1 tháng, 6 tháng hoặc thậm chí là tính bằng năm thì số tiền đó thật sự cũng sẽ rất nhiều.

Đôi khi mình sẽ cân nhắc xem là tiền dành cho những thứ không quá quan trọng như là tiền đi cà phê, uống trà sữa, mua đồ ăn vặt,.. thì mình sẽ xem thử là số tiền đó chiếm bao nhiêu phần trăm trong mức chi hằng tháng. Nếu như mà nó vượt quá mức cho phép thì mình sẽ hạn chế lại để có thể cân bằng lại chi tiêu cho các khoản cần thiết hơn.

Hãy tập thói quen thống kê lại chi tiêu hằng ngày cho từng cái nhỏ nhất đến cái lớn. Để cuối tháng các bạn có thể xem và biết được rằng số tiền chúng ta đã chi vào cái gì, và phần trăm sử dụng cho mỗi khoảng chiếm bao nhiêu. Điều này sẽ thật sự giúp ích cho các bạn trong việc quản lý tiền của mình. Một app trên điện thoại mà đến thời điểm này mình vẫn sử dụng để có thể thống kê được chi tiêu của mình trong một tháng đó là “Sổ thu chi”. Các bạn có thể tải về điện thoại và trải nghiệm nhé.

Vậy cho nên là việc quản lý chi tiêu đến từng cái nhỏ nhất thì trong giai đoạn còn đang trẻ để kiếm tiền thì các bạn nên để ý mà kiểm soát kể cả những khoản chi nhỏ để mà mình có thể tối ưu được khoản chi của mình trong từng ngày và trong một tháng.

Tư duy quản lý tiền bạc người trẻ nên có

Hình ảnh app “Sổ thu chi” để quản lý chi tiêu (Nguồn: App Store)

2/ Đừng mua mọi thứ được quảng cáo

Một điều cực kỳ quan trọng nữa đó chính là đừng mua tất cả những thứ mà người ta quảng cáo. Đừng vội mua chỉ vì bạn thấy nó trên quảng cáo mà hãy suy nghĩ thật là kỹ càng rằng nó có thật sự phù hợp với bạn hay không, bạn có đang thực sự cần nó hay không trước khi bỏ tiền ra mua.

Mình có một nguyên tắc đó là trước khi mua gì đó thì đợi 1 tuần sau xem suy nghĩ của mình có khác đi không, nếu sau 1 tuần mình vẫn muốn mua và nó thật sự cần thiết thì mình mới mua nó. Và khi áp dụng nguyên tắc này cứ đến 1 tuần sau là cái sự muốn mua món đồ đó của mình điều không còn nữa. Mình không còn thích món đồ đó nữa, thế là không phải tiêu tiền hoang phí.

Trước đây mình đã từng mua đồ vô tội vạ, cứ thấy quảng cáo hay hay là mua. Nhưng đến khi mua về thì thật sự là mình không hề sử dụng đến món đồ đó. Và việc mua sắm như vậy mình cảm thấy cực kỳ phí tiền và không nên như vậy nữa. Hãy cứ áp dụng nguyên tắc 1 tuần sau khi thấy quảng cáo, nó sẽ giúp nhiều cho các bạn trong việc mua sắp hoang phí đó nha. Hãy là những người mua hàng thông minh.

Tư duy quản lý tiền bạc người trẻ nên có

Mua hàng không cần thiết (Nguồn: Internet)

3/ Quy tắc 10%

Đừng cố tỏ ra là mình giàu có bằng cách cố gắng mua những sản phẩm hàng hiệu đắc tiền nếu như bản thân mình không đủ chi phí. Nghĩa là nếu chúng ta chưa có tiền thì đừng cố gắng tỏ ra giàu có vì điều đấy không cần thiết. Một quy tắc mà mình áp dụng cho chính bản thân mình đó chính là mình sẽ không mua những sản phẩm tiêu sản có tiền lớn hơn 10% tổng tài sản mà mình đang có.

Ví dụ: Nếu như mình có 10 triệu thì mình sẽ không bao giờ mua một chiếc túi có giá hơn 1 triệu

Đối với những sản phẩm tiêu sản không mang lại giá trị về lâu dài, không tăng giá trị hơn mà chỉ có giảm đi thì chúng ta chỉ nên mua ở mức dưới 10% tổng tài sản mà bạn có thoi, không nên mua nhiều hơn. Nếu như mua nhiều hơn 10% thì nó nên là những sản phẩm có giá trị lâu dài – nó là tài sản.

Ví dụ: Những sản phẩm có giá trị về lâu dài như đất và nhà thì nếu các bạn cảm thấy nó có thể tăng theo thời gian thì các bạn có thể mua.

Hãy nhớ rằng đeo trên người một chiếc túi hàng hiệu thì nó sẽ không nói lên giá trị của bạn đâu. Nên khi tài chính chưa đủ thì các bạn nên tìm cách kiếm ra nhiều tiền hơn thay vì cố gắng mua những món hàng hiệu để cho người khác thấy. Giá trị của bạn nằm ở việc bạn là ai, bạn làm được gì chứ không phải là bạn mang túi hiệu hay quần áo hiệu.